Dịch tế học và lâm sàng Phytoestrogen

Cho đến nay, nhiều nghiên cứu dịch tễ học, chủ yếu so sánh các nhóm phụ nữ châu Á với nhóm phụ nữ Âu - Mỹ đã được báo cáo và cho thấy các chế độ ăn giàu phytoestrogen cải thiện các triệu chứng thiếu hụt estrogen ở phụ nữ mãn kinh và có thể dự phòng ung thư vú, loãng xương và bệnh lý tim mạch [6][7]. Tuy nhiên các chất này thể hiện tác dụng sinh học thông qua các cơ chế cực kỳ phức tạp. Tác dụng của chúng trên tế bào phụ thuộc vào lượng thụ thể α và β của estrogen [8].

Trong một nghiên cứu công bố năm 1998, Albertazzi và cộng sự đã ghi nhận sự cải thiện các biểu hiện của cơn bốc hoả ở các phụ nữ hậu mãn kinh sử dụng tinh chất protein đậu nành so với nhóm dùng casein. Trong nghiên cứu kéo dài 12 tuần trên 104 phụ nữ này, sử dụng hàng ngày 40g protein đậu nành chứa 76 mg isoflavon đã làm giảm 25% các trường hợp có triệu chứng bốc hoả nặng [2].

Có các dữ liệu lâm sàng chắc chắn về tác dụng bảo vệ của đậu nành lên hệ tim mạch, chủ yếu là nhờ ảnh hưởng có lợi lên cân bằng lipoprotein. Tuy nhiên người ta chưa rõ liệu tác dụng có lợi này chỉ do thành phần isoflavon hay là của cả các thành phần khác có trong đậu nành [3].

Vào năm 2000, một nghiên cứu tổng hợp đã chỉ ra rằng các isoflavon có tác dụng bảo vệ yếu trên sự mất xương hậu mãn kinh [1].

Đặc biệt mối liên quan giữa chế độ ăn giàu phytoestrogen và tần suất thấp mắc phải ung thư vú và ung thư niêm mạc tử cung đã được khảo sát rất kỹ lưỡng và được khẳng định, đặc biệt trên quần thể phụ nữ sinh sống ở Đông Á (Nhật Bản, Đài Loan) và Hawai. Sử dụng nhiều chế phẩm đậu nành trong thời gian dài tỏ ra có liên quan đến giảm nồng độ nội tiết tố sinh dục nữ do buồng trứng tiết ra và có tác dụng bảo vệ trên nguy cơ ung thư vú. Một nghiên cứu tiến cứu trên 22.000 phụ nữ Nhật Bản được công bố năm 2003 đã chỉ ra rằng chế độ ăn giàu isoflavon với xúp misochao làm giảm gần 50% nguy cơ tương đối mắc phải ung thư vú [4][8][9].